Tôn giáo tại Việt Nam khá đa dạng, gồm có Phật giáo (cả Đại thừa, Nguyên thủy và một số tông phái cải biên như Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ cư sĩ Phật hội), Kitô giáo (gồm Công giáo và Tin Lành), tôn giáo nội sinh như đạo Cao Đài, và một số tôn giáo khác (Ấn Độ giáo và Hồi giáo). Các loại hình tín ngưỡng dân gian cũng có nhiều ảnh hưởng tại Việt Nam.
Lịch Sử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Giáo hội hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Trong thời gian sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức khai sinh ngày 4 tháng 1 năm 1964 nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối.
Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo Hội bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tịch thu các cơ sở. Ngay từ cuối năm 1975 đã có những đụng độ giữa Giáo Hội và chính quyền. Mười hai Phật tử và tăng ni đã tự thiêu ở chùa Dược Sư, Cần Thơ để phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo cùng những điều lệ bó buộc khác. Đại đức Thích Huệ Hiền để lại chúc thư yêu sách nhà cầm quyền thực hiện nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN. Sang tháng 3 năm 1977 khi nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trưng dụng Cô nhi viện Quách Thị Trang, GHPGVNTN phản kháng mạnh mẽ kêu gọi Phật tử xuống đường phản đối. Viện Đại Học Vạn Hạnh bị nhà nước buộc phải đóng cửa. Nhà xuất bản Lá Bối cũng phải ngưng hoạt động. Giáo Hội có gửi thư đòi thực thi tự do tôn giáo thì nhà cầm quyền phản ứng với lệnh bắt giam sáu thành viên lãnh đạo, trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Thượng Tọa Thích Thiện Minh sau đó đã bị đánh chết trong tù. Ngày 16 tháng 4 năm 1977, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo kêu gọi Phật tử Saigon đấu tranh chống lại GHPGVNTN. Thông báo còn hăm doạ ra tay đàn áp.
Năm 1981, nhằm thống nhất các hệ phái Phật giáo, sau ba năm vận động chính phủ cho thành lập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc, nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. GHPGVNTN không chấp nhận tổ chức GHPGVN và bị nhà cầm quyền ép giải tán nhưng không qua văn bản chính thức của chính phủ. Ngày 24 tháng 2 năm 1982, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định trục xuất hai Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, chùa Ấn Quang là trụ sở của GHPGVNTN bị cưỡng chiếm. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết.
GHPGVNTN tiếp tục công cuộc vận động giành lại pháp lý cho Giáo Hội, trong sự thông hiểu là Pháp Nạn chỉ có thể được giải quyết khi Quốc Nạn được giải quyết. Song song với cuộc tranh đấu giành lại pháp lý, Giáo Hội liên tục lên tiếng cho tự do, dân chủ và chủ quyền lãnh thổ.
Đệ Nhất Tăng thống (1964-1973) Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973).
Đệ Nhị Tăng thống (1973-1979) Hòa thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979).
Đệ Tam Tăng thống (1979-1991) Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1991).
Đệ Tứ Tăng thống (2003-2008) Hòa thượng Thích Huyền Quang (1920-2008).
Đệ Ngũ Tăng thống (2011-2020) Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928-2020).
Đệ Lục Tăng Thống (2020- ) Hòa Thượng Thích Chí Viên
GN - Sau khi đất nước được độc lập và hòa bình, thống nhất Phật giáo là nguyện vọng của tất cả Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, các tổ chức, giáo hội, hệ phái có mặt ở nước ta đã cùng một ý chí thành lập GHPGVN.
Những cảm xúc về sự kiện lịch sử ấy vẫn còn tươi mới, những nhận định và tầm nhìn vẫn nguyên giá trị.
Xin trích giới thiệu một số suy nghĩ của các bậc tiền bối, chư tôn đức tham dự đặt nền móng cho ngôi nhà Giáo hội. Trong bài, Giác Ngộ giữ nguyên giáo phẩm của chư tôn đức, chức vụ của lãnh đạo tại thời điểm tháng 11-1981.
Hòa thượng Thích Trí Thủ (trích Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4-11-1981):
“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một hội nghị gồm đủ đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền đất nước Việt Nam đã vân tập về đây, trong một hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”.
Thượng tọa Thích Minh Châu (trích Báo cáo về quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam):
“Nay nước nhà đã được thống nhất, thời bước tiến tới tất yếu của chúng ta là phải thống nhất Phật giáo. Đây không những là nguyện vọng tha thiết của đồng bào Phật tử thương nước mến đạo, mà đây cũng là bước tiến tất yếu của bánh xe lịch sử trong cao trào của cộng đồng dân tộc Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, và mới trở thành một sức mạnh, một sức mạnh để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, một sức mạnh để xây dựng và phát huy đạo pháp. Có thống nhất, chúng ta mới tập trung đủ khả năng, đủ nghị lực để loại trừ những mê tín dị đoan, những tư tưởng tiêu cực và yếm thế đã làm vẩn đục và hoen ố tấm gương sáng chói của Chính pháp.
Một hội nghị mở ra trong bối cảnh đất nước đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, trong sự mong đợi thiết tha bao đời của giới Phật giáo đồ trong và ngoài nước, với cảm tình và hỗ trợ chân thành của Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương cho đến địa phương”.
Thượng tọa Thích Trí Quảng (Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tiểu ban Hiến chương):
"Trước đây nguyên là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam (Phật giáo Ấn Quang) nên tôi cũng có hiểu biết là tình hình Phật giáo trong này có nhiều phức tạp, khó khăn trong nội bộ; dù đã một, hai cố gắng thống nhất nhưng cũng không đạt được ý nguyện hoàn toàn, vẫn còn nhiều hệ phái và tổ chức đứng ngoài. Vì thế mà khi ra đi tôi thấy nhiệm vụ của mình rất nặng nề, sợ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tôi cũng có lo lắng là mình chưa quen biết hết đại biểu các phái đoàn, khi tiếp xúc không biết phải làm sao.
Nhưng dù thấy có khó khăn, vẫn ra đi theo sự đề cử của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo. Đó là do tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của Hòa thượng Viện trưởng đã giao trách nhiệm cho tôi. Và do tôi đã đặt hết niềm tin vào hồn thiêng đất nước cũng như vào sự hộ niệm của chư Phật sẽ giúp tôi hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế tôi ra đi với trọn vẹn niềm tin đó, chỉ biết rằng mình đi là với hết cả niềm tin của mình đem dâng hiến trọn vẹn cho Đất nước và Đạo pháp.
Quả nhiên khi đến với hội nghị, tiếp xúc với tất cả các đại biểu tôi mới thấy rõ rằng thành phần tham dự có khác nhau nhưng tất cả đều gặp gỡ nhau trong tình thương và Đạo pháp.
Riêng phần tôi được đề cử vào trong Phân ban 1 soạn thảo Hiến chương và thành phần nhân sự của Hội nghị cũng như sau đó được cử làm Trưởng ban Hoằng pháp của Hội đồng Trị sự của Giáo hội là một vinh hạnh lớn. Trong quá trình làm việc ở Hội nghị, tôi đã được Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, giúp đỡ ý kiến khích lệ tôi rất nhiều”.
Thượng tọa Thích Giác Toàn (Ủy viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam):
“Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 9 tổ chức, hệ phái đã đồng tâm nguyện thành lập GHPGVN là một sự kiện trọng đại, khiến Tăng Ni, Phật tử hoan hỷ.
Trước ngày hội nghị, không phải không có những tín đồ Phật tử tỏ ý lo ngại, thắc mắc với những tâm tư riêng nhưng kết quả rực rỡ của hội nghị đã xóa đi hết những lo âu của mọi người. Trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội, người Phật tử đã nhìn thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc trước, những bậc giáo phẩm hết lòng vì đạo, vì đời.
Việc thông qua Hiến chương và đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội càng cho thấy khả năng phát triển và đóng góp hiệu quả hơn của Phật giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
(Giác Ngộ số đặc biệt, 132 - 133, 1 - 15-11-1981)
"Tôi rất hoan nghinh hội nghị mà quý vị đã chuẩn bị công phu từ non hai năm qua, thực hiện bao mong đợi của bao Tăng Ni, Phật tử, một hội nghị đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử. Dân tộc Việt Nam ta cho đến nay qua bao sóng gió, vẫn hướng về phía trước, bảo vệ Tổ quốc. Chắc chắn rằng, trong sự nghiệp đó, đóng góp của đạo Phật và Phật tử sẽ càng trở nên quan trọng. Quá khứ đã chứng minh đạo Phật là một tôn giáo gắn liền với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài.
Ở Việt Nam, nói đến tôn giáo là nghĩ tới một ngôi chùa, tới những điều quý báu đẹp đẽ. Chúng ta có thể rất khiêm tốn nhưng vẫn thấy cái gì đó đã làm cho dân tộc trải qua bao sóng gió của nhiều thế kỷ vẫn lớn lên. Sức mạnh của bản thân dân tộc, tài năng và trí tuệ của dân tộc, đã làm nên một bản lĩnh độc đáo mà trong đó có đóng góp của đạo lý nhà Phật và chưa bao giờ trong lịch sử, dân tộc ta vững mạnh như ngày nay”...
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng phát biểu tại buổi tiếp xúc với đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 8-11-1981
Việt Nam là một quốc gia đa dạng về dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được công nhận là có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao theo khảo sát đa dạng tôn giáo toàn cầu của Viện Diễn đàn Pew (Hoa Kỳ). Sự đa dạng này ở Việt Nam là kết quả của sự du nhập, giao thoa và dung hợp giữa các tôn giáo bản địa hình thành trong nước và các tôn giáo từ nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Ở Việt Nam có rất nhiều các hình thức tôn giáo khác nhau, từ các hình thức tôn giáo nguyên thủy như Tô tem giáo, Sa man giáo, Vật linh giáo,… đến các hình thức tôn giáo hiện đại, có tổ chức chặt chẽ như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Islam giáo. Việt Nam cũng là quốc gia đa dạng về loại hình tổ chức tôn giáo. Có những tôn giáo chỉ có duy nhất một tổ chức (Phật giáo, Công giáo) nhưng cũng có những tôn giáo có nhiều tổ chức, hệ phái (đạo Cao Đài, đạo Tin lành,…).
Tính đến 2022, Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận 16 tôn giáo (Hình 2) vài 43 tổ chức tôn giáo;ó hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước);có hơn 54 ngàn chức sắc; 135 ngàn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Ngoài ra còn có khoảng 200 ngàn tín đồ thuộc các tổ chức Tin lành tư gia và hàng chục ngàn người theo các hiện tượng tôn giáo mới. Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn có một số lượng rất đông đảo người dân có niềm tin và thực hành theo các sinh hoạt tâm linh truyền thống/dân gian – thường vẫn được tuyên bố là “không tôn giáo.
Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận, có 9 tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, giáo, Bà La Môn giáo, Baha’i, Cơ Đốc Phục Lâm, Mặc Môn, Minh Sư Đạo). Bảy tôn giáo còn lại ra đời ở miền Nam đất nước vào đầu thế kỷ 20 (Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, Minh Lý Đạo, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn).
Một đặc điểm nổi bật của người Việt Nam là sự đa dạng về niềm tin tôn giáo. Một tín đồ của tôn giáo được coi là nhất thần như Công giáo, Tin Lành hay Hồi giáo đồng thời có thể tham gia nhiều sinh hoạt tâm linh dân gian truyền thống khác tại chùa, đền, các lễ hội tôn giáo. Trong các hoạt động tâm linh này, các hình thức tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam có thể chia thành 5 loại: (i) Thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia); (ii) Thờ thành hoàng làng; (iii) Tín ngưỡng vòng đời (sinh đẻ, cưới xin, ma, thờ cúng người chết); (iv) Tín ngưỡng nghề nghiệp; và (v) Tín ngưỡng thờ thần. Trong đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản và phổ biến nhất của người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, bất kể họ sống ở đồng bằng, miền núi, nông thôn hay thành thị.
Các tín đồ tôn giáo ở Việt Nam phân bố rộng khắp cả nước nhưng tập trung đông nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ (30,15%) và Tây Nam Bộ (27,11%). Khu vực Bắc Bộ số lượng tín đồ chiếm 13,90%; khu vực Tây Nguyên chiếm 9,19%; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 8,73% và khu vực Bắc Trung bộ chiếm 6,48%.
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cơ bản hoạt động tôn giáo thuần túy theo đúng giáo lý, luật lệ, lễ nghi truyền thống; gắn với bó với dân tộc, đất nước; tuân thủ quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo).
Về quan điểm, chính sách, Hiến pháp Việt Nam quy định mọi công dân “có thể theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào” và “mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Hiến pháp cũng quy định việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định chi tiết hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, việc đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo, quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật. Hàng loạt nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành kèm theo Luật này. Ngoài ra, Luật Đất đai, Luật Giáo dục và các luật khác cũng đưa ra những nội dung liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, hệ thống pháp luật đã được xây dựng đầy đủ để hỗ trợ nhu cầu phát triển tâm linh/tôn giáo và quản lý nhà nước.
Nhìn từ góc độ quốc tế, mặc dù tôn giáo Việt Nam đạt được những thành tựu và tăng trưởng đáng kể về về số lượng tín đồ, loại hình tôn giáo và tổ chức tôn giáo trong 20 năm qua, tuy nhiên Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về tự do tôn giáo. USCIRF đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì chưa thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo theo quy định của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Freedom House đánh giá Việt Nam đạt một trên bốn điểm trong thang điểm về thực hành quyền tự do cá nhân và bày tỏ đức tin công khai hoặc riêng tư.Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề thường liên quan đến yêu cầu về thời gian thực hành rất dài để tôn giáo/tổ chức tôn giáo được cấp phép chính thức; và sự giám sát, can thiệp của chính phủ trong quá trình thực hành tâm linh/tôn giáo – đặc biệt đối với các hiện tượng tôn giáo mới.
Trong một thế giới ngày càng hội nhập, sự phát triển và đa dạng của các tôn giáo ở Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi và nở rộ. Điều này đòi hỏi các chính sách tôn giáo và các cơ quan chính quyền cần phải cân bằng giữa việc duy trì cập nhật với bối cảnh mới, linh hoạt đáp ứng nhu cầu tâm linh, tôn giáo của người dân và đảm bảo an toàn xã hội cho người dân.