Hiện nay, với sự phát triển mạng xã hội ngày càng lớn mạnh, là nơi nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ thông tin đến tất cả mọi người, đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Nhất là những bạn đam mê thiết kế, vẽ tranh, thường hay chia sẻ những tác phẩm của mình lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi làm như vậy, dễ bị sao chép tác phẩm, xâm phạm đến quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật đó. Do đó, pháp luật nước ta đã có những quy định pháp luật đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật. Sau đây, NPLAW sẽ giới thiệu đến Quý bạn đọc những thông tin pháp lý cần thiết về quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật bao gồm những tài liệu gì?
Theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật bao gồm những tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
- 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử);
- Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:
Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;
- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022 thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật như sau:
- Đối với Quyền nhân thân về: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì được bảo hộ vô thời hạn;
- Quyền nhân thân về việc công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
- Thời hạn bảo hộ - chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
I. Thực trạng xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật hiện nay?
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế về khoa học – kỹ thuật – công nghệ thì tình trạng xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi. Hiện tượng, làm tranh giả, sao chép tác phẩm mỹ thuật, xâm phạm đến quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật đã xuất hiện tồn tại từ lâu, nhưng đến nay thì tần suất xuất hiện hiện tượng xâm phạm quyền tác giả ngày càng phổ biến, với cách thức đa dạng ở cả trong và ngoài nước.
Để bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật cần ngăn chặn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật, pháp luật cần có nhiều chế tài xử lý hơn. Và đặc biệt, cần lên án hành vi sao chép, làm giả tác phẩm mỹ thuật.
Điều kiện để tác phẩm mỹ thuật được bảo hộ?
Để tác phẩm mỹ được bảo hộ quyền tác giả, cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Thuộc loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022 thì tác phẩm mỹ thuật được bảo hộ quyền tác giả.
- Tác phẩm mỹ thuật phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Cơ sở pháp lý: Điều 13, 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022.
Trình tự, thủ tục bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật được thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật tại đâu?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì Cục bản quyền tác giả là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật được nộp theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho Cục bản quyền tác giả.
Quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật bao gồm những quyền nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022 thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.
Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản;
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
+ Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
+ Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối;
+ Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
Các quyền trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
Cơ sở pháp lý: Điều 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022.